#087 | Doanh nghiệp tranh chấp hợp đồng với người tiêu dùng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Công ty H (Bị đơn - Bên bán) ký hợp đồng mua bán căn hộ với ông K (Nguyên đơn - Bên mua). Trong hợp đồng, các bên thỏa thuận chọn VIAC. Khi có tranh chấp, Bên mua đã khởi kiện ra VIAC và Hội đồng Trọng tài theo hướng Bên mua “được quyền đơn phương chấm dứt theo Điều 13 hợp đồng” và việc “Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thanh toán 1.420.000.000 VND tiền ứng trước cho việc bán căn hộ theo hợp đồng” là “có căn cứ”. Tuy nhiên, “Hội đồng Trọng tài bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại vì không chứng minh được những thiệt hại đó”.

Bài học kinh nghiệm:

Doanh nghiệp có thể có đối tác là một chủ thể hoạt động trong kinh doanh nhưng đối tác của doanh nghiệp cũng có thể là một người tiêu dùng. Trong trường hợp doanh nghiệp xác lập hợp đồng với người tiêu dùng như trong vụ việc nêu trên, pháp luật có những quy định đặc thù mà doanh nghiệp nên biết.

* Được giải quyết tại Trọng tài

Theo khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, “người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Với nội dung này, tranh chấp của doanh nghiệp với người tiêu dùng là một dạng “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” theo khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nên có thể được giải quyết bằng trọng tài. Thực tế, khả năng giải quyết tranh chấp loại này bằng trọng tài đã được ghi nhận minh thị trong Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 30 đạo luật vừa nêu: “Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua: Trọng tài”.

Trong vụ việc trên, thỏa thuận trọng tài được xác lập giữa một cá nhân và một công ty thương mại về việc mua nhà ở. Do đó, tranh chấp phát sinh từ quan hệ mua bán này về nguyên tắc là tranh chấp với người tiêu dùng và có thể được giải quyết bằng trọng tài theo quy định trên. Thực tế, Trọng tài cũng theo hướng vừa nêu khi xét rằng “Hội đồng Trọng tài được VIAC thành lập hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết Vụ tranh chấp”. Như vậy, doanh nghiệp cần biết là tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hoàn toàn có thể được giải quyết tại trọng tài để từ đó có thể thỏa thuận chọn trọng tài khi có nhu cầu.

* Sự lựa chọn của người tiêu dùng

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có một quy định đặc thù tại Điều 16 theo đó “đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”.

Như vậy, trong trường hợp người tiêu dùng khởi kiện ra trọng tài, họ không cần sự chấp thuận từ nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ở đây, người tiêu dùng được “quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp” (tiêu đề của Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Thực ra, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng có quy định theo hướng trên tại Điều 38 theo đó “trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác”. Trong vụ việc trên, người khởi kiện ra Trọng tài là người tiêu dùng (mua nhà ở) và người bị khởi kiện là một công ty nên Trọng tài thụ lý giải quyết là phù hợp với quy định hiện hành.

Trên đây là quy định đặc thù liên quan đến việc khởi kiện mà doanh nghiệp nên biết khi xác lập hợp đồng với người tiêu dùng.

* Nghĩa vụ chứng minh của các bên

Về cơ bản, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng giống như các tranh chấp khác. Bởi lẽ, Điều 19 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 quy định “trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại”. Tuy nhiên, về nghĩa vụ chứng minh, pháp luật hiện hành có quy định đặc thù.

Cụ thể, theo Điều 40 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, “nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật này”. Thực tế, Điều 42 có quy định đặc thù về chứng cứ theo hướng “người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”; “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại”.

Như vậy, người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi của bên chuyên nghiệp và việc chứng minh không có lỗi thuộc bên chuyên nghiệp. Ở đây, chỉ có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên chuyên nghiệp là có sự khác biệt với thủ tục chung và doanh nghiệp nên biết trong trường hợp có tranh chấp với người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là, đối với việc chứng minh những vấn đề khác yếu tố lỗi như chứng minh thiệt hại thực tế, trách nhiệm vẫn thuộc về người tiêu dùng và Hội đồng Trọng tài đã theo hướng vừa nêu trong vụ việc trên khi theo hướng “bác yêu cầu của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại vì không chứng minh được những thiệt hại đó”.

Nói tóm lại, thông qua vụ việc nêu trên, doanh nghiệp biết rằng tranh chấp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hoàn toàn có thể được giải quyết tại trọng tài. Ở đây, pháp luật có một số quy định đặc thù cho người tiêu dùng. Ngoài những quy định đặc thù này, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng cũng giống trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài giữa doanh nghiệp với đối tác là doanh nghiệp khác.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI